Doanh thu thuần tăng mạnh 33% lên 2.708 tỷ đồng song trong năm 2018, lợi nhuận sau thuế của CII lại giảm tới 87% so với 2017, chỉ đạt chưa tới 207 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu của “đại gia BOT” trượt dài, lao thẳng xuống đáy ngay đầu năm nay.
>>Formosa sắp nhận “tin vui”; VEC lên tiếng về nghi vấn gian lận phí BOT
Giữa bối cảnh chỉ số vẫn diễn biến tích cực trong phiên ngày 20/2, cổ phiếu CII của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lại quay đầu giảm 350 đồng (tương ứng giảm 1,5%) còn 22.950 đồng/cổ phiếu, xoá gần hết thành quả của hai phiên tăng đầu tuần.
Trong vòng 3 tháng giao dịch vừa qua, mã này đã giảm 16,24% và mức giảm lên tới 33,77% so với 1 năm về trước. CII vừa mới chỉ xuống đáy (mức thấp nhất 52 tuần giao dịch) cách đây không lâu (phiên 22/1/2019) với mức giá 22.650 đồng/cổ phiếu. So với mức đáy nói trên, CII mới hồi phục được 1,3%.
Giá cổ phiếu CII liên tục rớt mạnh trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này không mấy sáng sủa. Trong năm 2018, mặc dù đạt gần 2.708 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 33% so với 2017 và lợi nhuận gộp tăng mạnh 93% lên 768 tỷ đồng, song do tất cả chi phí đều tăng và đặc biệt là doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 73% còn 600,1 tỷ đồng nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của CII bị kéo giảm tới 89% so với năm trước, chỉ còn đạt 164 tỷ đồng.
Sự cải thiện của mảng lợi nhuận khác chỉ giúp thu hẹp mức giảm lãi trước thuế của CII trong năm 2018 so với 2017 còn 77%, đạt 390,9 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 87% đạt 206,8 tỷ đồng.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu lao dốc, mới đây, HĐQT CII đã ban hành nghị quyết về việc mua thêm gần 14,7 triệu cổ phiếu quỹ, thực hiện ngay sau khi được UBCKNN chấp thuận. Nếu các giao dịch được thực hiện thành công hoàn toàn, CII sẽ nâng số cổ phiếu quỹ nắm giữ lên 50 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 17,7% vốn điều lệ công ty.
Tuy vậy, ở mức giá hiện tại, một số nhân viên CII vẫn có quyền vui mừng vì doanh nghiệp này đã quyết định phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phần, chưa bằng phân nửa thị giá trên sàn. Số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành và chỉ có 26 người nằm trong danh sách cán bộ công nhân viên được phân phối cổ phiếu ESOP lần này của CII.
CII được coi là "đại gia BOT" khi là chủ đầu tư của hàng loạt dự án, công trình giao thông quan trọng như: Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 2.847,2 tỷ đồng, thu phí hoàn vốn trong vòng 13 năm kể từ tháng 3/2018; dự án Cầu Sài Gòn 2 với tổng mức đầu tư 1.311,9 tỷ đồng theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” (BT); Dự án Cầu Rạch Chiếc với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng…
Công ty này cũng tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng trong Khu dân cư phía bắc và hoàn thiện trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 2.641 tỷ đồng theo hình thức BT; dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng…
Trên thị trường chứng khoán, đà tăng đã được giữ đến hết phiên này với việc các chỉ số chính đều đóng cửa ở trạng thái tăng bất chấp quá trình rung lắc mạnh diễn ra trong phiên, đặc biệt là buổi sáng.
VN-Index tăng 6,23 điểm tương ứng 0,65% lên 970,58 điểm; HNX-Index nhích nhẹ 0,09% lên 106,3 điểm và UPCoM-Index tăng 0,23 điểm tương ứng 0,42% lên 55,47 điểm.
Thống kê cuối phiên cho thấy, trên toàn thị trường có 287 mã giảm giá, 27 mã giảm sàn và 288 mã tăng, 37 mã tăng trần.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước. Trong khi khối lượng giao dịch trên HSX đạt 170,87 triệu cổ phiếu tương ứng 4.002,96 tỷ đồng thì con số này trên HNX là 29,07 triệu cổ phiếu tương ứng 371,4 tỷ đồng. Trên UPCoM có 9,58 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 207,31 tỷ đồng.
VHM tiếp tục đóng vai trò là “công thần” của VN-Index. Nhờ đầu kéo này mà chỉ số chính tăng thêm 3,47 điểm. Bên cạnh đó, đóng góp của BID vào mức tăng chung cũng lên tới 1,15 điểm.
Theo quan sát của VDSC, trong phiên này, khối nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mua ròng với giá trị lên tới 250 tỷ đồng trên sàn HSX , tập trung vào DHG của Dược Hậu Giang (73,4 tỷ đồng), MSN của Ma San (52 tỷ đồng), HPG của Hoà Phát (42 tỷ đồng), VNM của Vinamilk (34 tỷ đồng), VRE của VinRetail (30 tỷ đồng) … chứng chỉ quỹ E1VFVN30 tiếp tục được mua ròng với giá trị 26,7 tỷ đồng.
Xu hướng tăng tiếp tục phát triển, với sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như dòng tiền của khối ngoại. VN-Index đã tăng khá nóng do vậy dẫn tới tâm lý e ngại của đa phần nhà đầu tư.
Theo nhận định của VDSC, áp lực bán cũng đang khá lớn khiến nhiều cổ phiếu bị điều chỉnh trong 2 phiên vừa qua. Nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời một phần những cổ phiếu đã đạt lợi nhuận kỳ vọng.
Mai Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét